Kinh nghiệm Outdoor

Chọn dao sinh tồn, dao đi phượt cần quan tâm những yếu tố nào?

huong-dan-chon-dao-di-phuot
 
  1. Sự quan trọng của dao trong dã ngoại và sinh tồn
  2. Cấu tạo cơ bản của dao
  3. Chọn dao dựa trên những yếu tố nào
 

1. SỰ QUAN TRỌNG CỦA DAO TRONG DÃ NGOẠI - SINH TỒN

 
Đầu tiên trong những chuyến dã ngoại, cắm trại đơn thuần thì dao đơn giản là để thái thực phẩm, cắt gọt trái cây, cắt các dụng cụ đơn giản,... Mặc dù là đơn giản nhưng chuyến dã ngoại cuối tuần của bạn sẽ hỏng bét nếu không có bất kỳ một con dao nào!
Và dao còn quan trọng hơn nhiều khi bạn tham gia trekking, đi rừng hay thám hiểm. Những công dụng cụ thể phải nhắc đến như:
  • Chặt củi
  • Chế biến thực phẩm
  • Tạo bùi nhùi - tạo lửa
  • Vũ khí
  • Sơ cứu vết thương trong trường hợp khẩn cấp
  • Tự tạo một nơi trú ẩn tạm thời nếu đi lạc
  • .....

Nhân loại đã phát triển và ta cũng không cần phải trở lại thời kỳ đồ đá để có một chuyến thám hiểm thực sự! Chính vì thế hãy chuẩn bị một chiếc dao theo nhu cầu của mình, và nhớ mang theo nó như một vật bất ly thân khi tham gia đi rừng, leo núi, thám hiểm!

 

2. CẤU TẠO CƠ BẢN CỦA DAO

 
Có người chia dao thành 2 phần là lưỡi dao và cán (chuôi) dao. Nhưng để cụ thể và dễ hình dung hơn, bài viết này sẽ chia dao ra thành 3 phần cơ bản là "tang", chuôi (cán) dao và lưỡi dao.
Tang: "Tang" của một con dao được định nghĩa là phần nối liền với lưỡi dao được giấu trong chuôi dao. Có nghĩa là Tang và lưỡi dao là một khối. Tang dao có thể có dạng đuôi chuột hoặc "full tang". Tang dao càng vào sâu thì chiếc dao càng chắc chắn. Tuy nhiên đừng nên nhầm lẫn là tang dao quyết định 100% độ bền và sự chắc chắn của dao, mà nó còn phụ thuộc nhiều vào thiết kế và chất liệu của 2 phần còn lại.
 
dao-full-tang-la-gi
 
Cán dao hay chuôi dao là phần tay cầm của dao. Cán dao có thể được làm từ gỗ, cao su hoặc các loại Polymer, kim loại. Một số dao có phần cán được thiết kế rỗng để tận dụng không gian chứa thêm đồ (Ví dụ như diêm), điều đó đồng nghĩa với Tang dao sẽ bị rút ngắn, làm giảm độ chắc chắn của chiếc dao. Nếu đó chỉ là một con dao cắt thịt, gọt trái cây thì không ảnh hưởng gì, nhưng nếu bạn chọn một chiếc dao sinh tồn, đi rừng thì nên suy nghĩ kỹ về trường hợp này.
Lưỡi dao: Là phần quan trọng cần chú ý khi chọn dao, những yếu tố khi chọn dao cần lưu ý như là kích thước, chất liệu, thiết kế lưỡi dao,....
 
 

3. CHỌN DAO DỰA TRÊN NHỮNG YẾU TỐ NÀO?

 
#TANG
 
Một con dao thẳng và full Tang sẽ thích hợp với các hoạt động trekking, leo núi, đi rừng, thám hiểm - những hoạt động yêu cầu dao phù hợp với sinh tồn. Vì như đã nói ở trên, dao full tang đảm bảo sự chắc chắn, thích hợp cho những việc nặng như chặt cây, phát quang,... 
Đối với các hoạt động dã ngoại, đi phượt xe máy hay cắm trại đơn thuần có thể sử dụng các loại dao gấp nhỏ gọn. Đây là loại dao tiết kiệm không gian thích hợp sử dụng cho những chuyến dã ngoại, cắm trại. Phần lưỡi của một chiếc dao gấp được giấu trong đồng nghĩa với việc là lưỡi dao sẽ được bắt vào cán dao bởi ốc và các khớp mà không hề có tang dao. Chính vì thế dao gấp chỉ nên sử dụng cho những việc cắt gọt nhẹ nhàng.
Lưu ý khi chọn dao gấp thì dao phải có lẫy khóa khi sử dụng, tránh trường hợp dao bị gập vào khi đang sử dụng làm ta bị thương.
 
#KÍCH THƯỚC
 
Kích thước dao bao gồm chiều dài lưỡi dao và độ dày sống dao.
Chiều dài lưỡi dao: Các con dao sinh tồn, dao găm thường có chiều dài từ 5 - 12 in (12 - 30 cm). Một số dao sử dụng cho dã ngoại, cắm trại thì có kích thước ngắn hơn. Tùy vào mục đích sử dụng bạn có thể lựa chọn kích thước lưỡi dao cho phù hợp.
Độ dày lưỡi dao: Một con dao sinh tồn cần có độ dày khoảng 2 - 3 mm. Khi độ dày mỏng hơn, dao sẽ dễ hư hỏng khi tác động lực mạnh. Khi lưỡi dao dày hơn, chiếc dao của bạn sẽ trở nên nặng nề, không thích hợp cho những hành trình phải di chuyển nhiều.
 
# LƯỠI DAO VÀ MŨI DAO
 
Có bạn sẽ phân vân là nên lựa chọn lưỡi thẳng hay răng cưa? Tất nhiên một chiếc dao lưỡi thẳng sẽ chuyên dụng, dễ sử dụng và bảo quản hơn là một chiếc dao lưỡi cưa. Tuy nhiên hiện nay có một số dòng dao kết hợp lưỡi thẳng và một phần lưỡi cưa (được bố trí ở phía gần cán dao) để hỗ trợ khi cần thiết, ví dụ như khi cắt dây thừng,...
 
Một số loại lưỡi dao phổ biến:
1. Drop-point
 
Drop-point là lưỡi dao mạnh mẽ và linh hoạt. Lưỡi dao Drop-point dày, kiên cố và thích hợp với những hoạt động nặng nề, dao phải chịu tác động lực lớn. Thiết kế Drop-point có cạnh sắc trượt vê phần mũi dao - thiết kế này tạo ra cạnh sắc hoàn hảo và nhằm hạn chế trường hợp vô ý bị dao đâm vào người khi sử dụng.
 
                                                                                     

 

2. Clip-point
 
Lưỡi dao Clip-point được thiết kế hình lưỡi liềm về phần mũi. Đây là lưỡi dao rất mỏng và sắc bén. Các dao có lưỡi clip-point khá lý tưởng khi dùng cho những công việc yêu cầu độ tỉ mỉ, độ chính xác cao.
 
 

 

3. Tanto
 
Một lưỡi dao tanto được làm bởi một vật liệu thích hợp sẽ tạo thành một chiếc dao mạnh mẽ. Với phần lưỡi dao nhọn và sắc nét, lưỡi dao tanto nhỏ sẽ thích hợp với những công việc tỉ mỉ; Lưỡi tanto lớn sẽ là gợi ý cho những công việc như chặt, nạy hay đâm thủng các vật liệu cứng.
 
 

 

4. Needle-point và spear-point

Là loại lưỡi dao có 2 cạnh lưỡi, là loại dao thích hợp cho sinh tồn. Đây là loại lưỡi được thiết kế chuyên dụng để thâm thủng, chọc sâu hoặc phóng (Dùng trong săn bắt).

 

 

 

5. Sheepsfoot và Santuko

Loại lưỡi dao chắc chắn, thích hợp cho việc chế biến thực phẩm. Đây là loại lưỡi dao có lưỡi thẳng từ chuôi tới mũi, không quá cầu kỳ giúp chúng có thể dễ dàng cắt, chặt với thái, giảm tối thiểu được rủi ro vô tình cắt vào tay. Lưỡi dao Sheepsfoot và Santuko thích hợp cho những chuyến dã ngoại, cắm trại đơn thuần.

 

 

# CHẤT LIỆU LƯỠI DAO

Dao được làm từ chất liệu gì? Độ cứng ra sao? Mức độ chống gỉ như thế nào? Chắc hẳn không ít người đã thắc mắc về vấn đề này.
Một thực tế rằng, các loại thép có độ cứng cao thì khó bị mài mòn, chắc chắn nhưng lại dễ bị gỉ hơn và khó mài sắc lại. Các loại thép có khả năng chống gỉ tốt hơn, dễ mài sắc thì sẽ dễ bị mòn và không cứng bằng loại trước. 
 
Một số chất liệu làm dao thường gặp:
 
Thép không gỉ (Stainless Steel)
 
Đây là chất liệu làm dao thường gặp. Thép không gỉ là một loại hợp kim chống gỉ và ăn mòn. Về cơ bản thép không gỉ được cấu tạo từ sắt và carbon, kèm theo đó là một hàm lượng nhỏ các nguyên tố mangan (Mn), lưu huỳnh (S), silic (Si), và phốt pho (P), chrom (Cr), molipden (Mo). Tỉ lệ thành phần của các nguyên tố tạo nên các chất thép có độ bền, khả năng chống ăn mòn, chống gỉ khác nhau. Cụ thể như:
 
  • 420HC (Carbon - Nickel - Silicon - Chrom - Mangan): Đây là loại thép làm dao thường gặp ở những loại dao dã ngoại, cắm trại, đặc biệt là các loại dao gấp. Lượng carbon, kết hợp với lượng chrom cao, cho độ chống xước và giữ sắc cạnh tốt. Thép 420HC được nhiệt luyện theo quy trình sở hữu bởi Paul Bos, là loại thép tuyệt vời cho các dao với chức năng thông thường.
  • 154CM (Carbon - Silicon - Chrom - Molipden): Đây là loại thép không gỉ được bổ sung nguyên tố Molipden vào thành phần. Dao được làm từ thép 154CM cho phép giữ sắc cạnh tốt hơn các loại thép thường, là một gợi ý cho các lưỡi cần dùng để cắt nhiều. 
  • S30V (Carbon - Chrom - Vanadi - Molipden): Đây là loại thép chứa một hàm lượng carbon và vanadi cao. Việc tăng carbon và vanadium giúp giữ được sắc cạnh cực tốt và chống trầy xước. S30V là một trong những loại thép làm dao tốt nhất hiện nay.
 
Thép High-Carbon (High-Carbon Steel)
 
Thép High-Carbon là một loại thép có thành phần chính là sắt và carbon, có độ cứng vượt trội, nhưng bù loại thì đây là loại thép có khả năng chống gỉ và chống ăn mòn không cao. Nếu bạn cần một chiếc cao cứng cáp để đi rừng, chặt cây thì thép High-Carbon là một gợi ý hoàn hảo. Tuy nhiên hiện tượng bị gỉ đối với những con dao làm từ thép High-Carbon là không có gì lạ lẫm, vì thế nên vệ sinh và bảo quản dao kỹ sau khi sử dụng.
 
# CÁN DAO
 
Cán dao phải cho cảm giác cầm chắc tay, không trơn trượt. 
Một số vật liệu làm cán dao:
Cán gỗ: Đây là loại vật liệu cho cán dao có tính thẩm mỹ cao, cảm giác cầm chắc chắn. Tuy nhiên dễ bị hư hỏng do nước và độ ẩm.
Cao su: Đây là loại vật liệu hạn chế sự hư hỏng do nước, có tính thẩm mỹ đồng thời cho cảm giác cầm chắc tay. Tuy nhiên độ bền không bằng cán bằng gỗ.
Kim loại: Ví dụ như thép, nhôm hợp kim. Tuy đây là loại cán có độ bền cao nhưng trơn và nặng nên ít được lựa chọn để làm cán dao.
 
 
# VỎ DAO
 
Nếu bạn sử dụng loại dao gấp thì có thể bỏ qua mục này!
Đối với các loại dao thẳng thì nên chọn một chiếc dao có vỏ hoặc làm vỏ cho nó! Vì dao là một vật dụng sắc nhọn và có tính sát thương cao. Cần được bao bọc cẩn thận khi không sử dụng để tránh làm hư hỏng những vật dùng để chung ngăn (trong balo) và tránh gây thương tích khi vô ý chạm phải.
Mặt khác vỏ dao giúp người dùng dễ dàng giắt lên quần, thắt lưng để tiện mang theo và sử dụng ngay khi cần thiết.
Yêu cầu của vỏ dao và phải vừa với kích thước dao, chất liệu đủ bền và kích thước đủ dày để bảo vệ dao.  
 
Trên đây là những yếu tố cơ bản cần lưu ý khi bạn muốn chọn một chọn một con dao đủ đáp ứng cho chuyến đi sắp tới. Chúc bạn chọn được một con dao ưng ý và có những hành trình thú vị. 

Chưa có sản phẩm