Kinh nghiệm Outdoor

Chỉ số chống nắng UPF là gì? Tại sao nên sử dụng quần áo chống nắng khi đi trekking?

chi so chong nang upf

  1. Chỉ số UPF là gì? Ý nghĩa của chỉ số UPF
  2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số UPF
  3. Tại sao nên sử dụng quần áo chống nắng có chỉ số UPF khi đi leo núi, trekking?
  4. Ngoài việc sử dụng quần áo chống nắng thì cần làm gì để chống UV khi đi leo núi?

1. Chỉ số UPF là gì? Ý nghĩa của chỉ số UPF.

UPF (Ultraviolet Protection Factor) là thước đo đánh giá khả năng chống nắng của các sản phẩm may mặc hay đúng hơn của chất liệu vải làm nên sản phẩm đó. Tương tự như chỉ số SPF (Sun Protection Factor) trong các sản phẩm chống nắng. Các chỉ số chống nắng này đánh giá hiệu quả chống nắng của sản phẩm đối với 2 tia gây hại có trong ánh nắng mặt trời là UVA và UVB. 

Chỉ số UPF Mức độ bảo vệ % Chống UV
UPF 15-24 Khá 93.3 - 95.9%
UPF 25-39 Tốt 96.0-97.4 %
UPF 40-50+ Rất rốt 97.5-98+ %

 

Chỉ số UPF càng cao thì khả năng chống nắng càng tốt. Cụ thể đối với sản phẩm có chỉ số UPF là 15 thì sẽ bảo vệ bạn khỏi 93% tia UV gây hại, chỉ có khoảng 1/15 tức khoảng 7% tia UV có thể xuyên qua. Con số bảo vệ này tăng lên 96% khi UPF là 25 và 98% khi UPF là 40-50. Thường áo quần chống nắng chuyên dụng sẽ biểu hiện chỉ số UPF ở dạng UPF50+.

 

Những sản phẩm có chỉ số UPF bé hơn 15 được đánh giá là không có khả năng chống lại các tia UV. 


2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số UPF

Chỉ số UPF được nhân viên tư vấn, hoặc được thể hiện trên sản phẩm chỉ đúng khi bạn mới mua sản phẩm. Trên thực tế khi sản phẩm được sử dụng một thời gian thì chỉ số UPF sẽ có thay đổi, sự thay đổi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như là màu sắc, cấu trúc vải, cách sử dụng sản phẩm, điều kiện sử dụng sản phẩm và cách bảo quản,....

Cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số chống nắng được chia thành 2 nhóm chính:

Do bản chất sản phẩm

  • Cấu trúc vải: Cùng một chất liệu vải thì khi vải càng dày khả năng chống lại tia UV sẽ càng cao. 
  • Màu sắc sản phẩm: Màu càng sáng thì khả năng chống lại tia UV sẽ càng cao. Màu tối thì sẽ dễ hấp thụ nhiệt và tia UV gây hại hơn. Tuy nhiên yếu tố màu sắc chỉ là một mẹo nhỏ để bạn lựa chọn áo quần cho mình thôi, chứ không ảnh hưởng đến chỉ số UPF thể hiện trên mác sản phẩm.
  • Loại vải (hay chất liệu vải): Polyester hay nylon là những loại vải có khả năng chống UV tốt, tiếp đó là len cũng có khả năng chống UV ở mức độ vừa phải. 
  • Ngoài ra một số biện pháp hóa học được áp dụng trong thuốc nhuộm cũng là một cách để tăng khả năng chống UV, tuy nhiên đó là câu chuyện về bí mật công nghệ. 

Do cách sử dụng

  • Sử dụng chất tẩy rửa mạnh có chứa chất tẩy sáng sẽ làm giảm khả năng chống UV của sản phẩm. Tuy nhiên hầu hết các chất tẩy rửa hiện nay đều có chứa chất tẩy sáng nên việc sử dụng chúng là không thể tránh khỏi. Lưu ý là thao tác giặt nhanh chóng, không ngâm áo quần trong dung dịch tẩy rửa mạnh quá lâu để duy trì khả năng chống UV của sản phẩm. 
  • Một số sản phẩm được phủ một lớp bảo vệ trên bề mặt vải để chống UV, lớp này cũng sẽ bị hao mòn theo thời gian và khi vệ sinh sản phẩm.
  • Như đã nói ở trên thì khả năng chống UV của vải phụ thuộc vào cấu trúc vải, nên chúng sẽ bị ảnh hưởng khi bề mặt vải mòn đi sau một thời gian sử dụng.
  • Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến khả năng chống tia UV là độ co hoặc giãn của vải. Một chiếc áo co lại sau khi giặt lần đầu sẽ có khả năng chống UV cao hơn 1 chút. Và ngược lại nếu chiếc áo thun chống nắng của bạn vì quá chật mà giãn ra thì chỉ số chống UV của nó cũng đồng thời giảm xuống. 

Vì vậy để duy trì chỉ số UPF cho áo quần ở mức tối ưu bạn cần lưu ý: Chọn áo quần màu sáng để chống nắng tốt hơn, giặt áo quần bằng chất tẩy rửa nhẹ và không ngâm quá lâu trong dung dịch tẩy rửa. Còn việc khả năng chống UV của áo quần bị giảm cho tác động của môi trường, do nắng hay hao mòn sử dụng là điều không thể tránh khỏi khi tham gia leo núi, trekking, nên bạn cũng không cần quá đặt nặng vấn đề này. Khi một chiếc áo bị sờn màu, đừng nghĩ đến khả năng chống nắng của nó đã giảm mà hãy điểm lại xem nó đã đồng hành cũng mình bao nhiêu chuyến đi rồi! 


3. Tại sao nên sử dụng quần áo chống nắng có chỉ số UPF khi đi leo núi, trekking?

Việc tham gia những chuyến đi leo núi, dã ngoại, hay những hoạt động outdoor ngoài trời thì việc bảo vệ da của bạn trước tác động của ánh sáng mặt trời là vô cùng cần thiết. Đặc biệt đối với những đối tượng sau:

  • Người nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, bạn là người có một làn da nhạy cảm, dễ bị tác động, dễ bị cháy nắng bởi ánh sáng mặt trời, dễ bị tổn thương bởi tia UV.
  • Bạn sắp tham gia một chuyến trekking, leo núi mà địa hình ở đó ít cây cối, nắng rất gắt thì việc chọn một bộ áo quần chống nắng chuyên dụng lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
  • Trẻ em với làn da nhạy cảm của chúng cũng cần được bảo vệ tối ưu khi tham gia những hoạt động ngoài trời.

Thông thường khi bị cháy nắng thì da sẽ không biểu hiện ngay lập tức và chuyển màu từ từ, đến khi bạn phát hiện thì mọi chuyện đã xảy ra rồi. Nên việc phòng chống cháy nắng và những ảnh hưởng của của tia UV gây hại.

Một số ưu điểm của áo quần chống nắng chuyên dụng cho leo núi, trekking:

  • Chống nắng tốt nhưng rất gọn và có khối lượng nhẹ.
  • Nhanh khô, thích hợp với các hoạt động outdoor, leo núi.
  • Chất liệu vải thoáng mát, thoải mái.


4. Ngoài việc sử dụng quần áo chống nắng thì cần làm gì để chống UV khi đi leo núi?

Ngoài việc sử dụng áo quần chống nắng chuyên dụng, bạn cần phối hợp thêm những phụ kiện khác để nâng cao hiệu quả chống nắng, bảo vệ bản thân khỏi tia UV. 

Một số biện pháp hiệu quả như:

  • Chọn sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF phù hợp, sử dụng kem chống nắng ở những vùng nhạy cảm, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. 
  • Sử dụng nón có vành rộng để che nắng, chất liệu nón chống UV càng tốt.
  • Sử dụng kính râm chống nắng
  • Hạn chế di chuyển vào thời điểm có cường độ UV cao trong ngày, hoặc nếu bắt buộc phải di chuyển thì cần có trang bị, che chắn kỹ càng. 
  • Chọn bóng râm để nghỉ chân trên đường đi
  • Và đừng chủ quan nếu trời không nắng, bởi ngay cả khi trời râm mát thì vẫn có tia UV chiếu trực tiếp vào người bạn.

Chưa có sản phẩm