Mẹo hạn chế phồng rộp chân khi đi leo núi, trekking
- Nguyên nhân hình thành các vết phồng rộp
- Bí kíp hạn chế phồng rộp
- Xử lý là vết phồng rộp như thế nào?
- Có nên làm vỡ vết phồng để đẩy dung dịch bên trong ra hay không?
1. Nguyên nhân hình thành các vết phồng rộp
Những yếu tố chính gây ra các vết phồng rộp là sự cọ sát, hơi nóng, ẩm ướt và bụi bẩn. Vết phồng rộp thường xuất hiện khi bạn đi bộ đường dài, leo núi, chạy bộ hay trượt tuyết,... Nguyên nhân chính thường là do chọn không đúng giày, không đúng cỡ giày cũng như chọn sai tất, tất cả điều này đẫn đến sự cọ sát liên tục giữa chân, tất và giày đồng thời do chân hoạt động liên tục và không được thả lỏng trong thời gian dài, từ đó tạo nên các vết phồng rộp.
2. Bí kíp hạn chế phồng rộp
Chọn đúng giày, đúng size giày
Việc chọn giày vô cùng quan trọng cho một chuyến đi, không chỉ để hạn chế phồng rộp mà còn bảo vệ bạn khỏi những nguy cơ tiềm ẩn đến từ địa hình đặc trưng của điểm đến.
Để hạn chế phồng rộp bạn nên chọn một đôi giày có size lớn hơn size của giày thể thao thường dùng khoảng 1 size. Lý giải cho việc này ngoài tạo cảm giác thoải mái khi di chuyển, các ngón chân của bạn không bị gò bó, còn hạn chế cọ sát, nhất là khi di chuyển nhiều chân có phần nở ra, với một đôi giày rộng sẽ làm giảm khả năng ma sát, hạn chế phồng rộp.
Việc chọn giày cần được tiến hành cẩn thận và chọn lọc, để chọn được một đôi giày phù hợp và ưng ý hãy tham khảo: Cách phân biệt, lựa chọn giày leo núi, trekking.
Sử dụng tất/vớ phù hợp
Đầu tiên tất được chọn phải có cổ tất cao hơn cổ giày.
Để hạn chế phồng rộp thì nên chọn các loại tất có chất liệu đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Độ dày đảm bảo và êm mềm để hạn chế cọ sát
- Thấm hút và thoát mồ hôi tốt để hạn chế ẩm ướt
- Thành phần kháng khuẩn để hạn chế mùi và ngăn vi khuẩn phát triển (Nếu được)
Để tìm được một loại vớ đáp ứng được tất cả các yêu cầu của bạn không phải dễ, một số mẫu bạn có thể xem xét như tất sợi tre bamboo MB.01.30 hay MC.01.31,... Hoặc bạn có thể cân nhắc để lựa chọn một đôi tất tối ưu được các yếu tố nêu trên.
Ngoài ra bạn có thể một số miếng lót chân (bằng silicon chẳng hạn để hạn chế ma sát ở những vị trí đặc biệt như gót giày,..)
Làm quen với giày trước khi sử dụng chúng cho chuyến leo núi, trekking
Làm quen giày hay nói các khác là sử dụng giày trước khi đi trekking chứ không đợi đến lúc đi mới đập hộp đôi giày. Việc làm này có 2 tác dụng chính:
Đi để cảm nhận xem đôi giày này có thật sự hợp với mình không, bởi thoạt đầu di chuyển bằng đôi giày mới sẽ không quen, đặc biệt là đôi giày có chất liệu và thiết kế cứng (hơn bình thường) của giày leo núi. Việc đi thử này sẽ giúp bạn quen với form giày, khối lượng của giày để đảm bảo không đau chân, không lạ lẫm khi sử dụng giày đi leo núi, trekking.
Tác dụng thứ 2 là để "làm mềm đôi giày của bạn". Bởi hầu hết các đôi giày mới mua đều "cứng" do vật liệu thô ráp, đồng thời những đôi giày leo núi càng đặc biệt vì đôi khi xung quanh đôi khi phần mũi giày còn được bọc cao su để bảo vệ chân của bạn. Nếu có thời gian, bạn nên giặt đôi giày của mình để chất liệu giày trở nên mềm mại hơn, đỡ thô ráp thì vấn đề phồng rộp sẽ được hạn chế.
Giữ cho chân của bạn khô ráo
Việc đổ mồ hôi chân là vô cùng bình thường khi đi trekking đối với một người khỏe mạnh. Tuy nhiên cần hạn chế để chân ẩm ướt nếu không muốn phồng rộp. Bạn có thể sử dụng tất thấm hút mồ hôi tốt như đã nói ở trên hoặc một chút bột hút ẩm. Nên dự trữ tất để tránh trường hợp dùng tất ướt khi không may gặp trời mưa, lội suối,...
Nếu giày bạn dễ tháo ra thì việc tháo giày và xoa bóp chân một tí khi dừng lại nghỉ mệt cũng là một gợi ý không tồi!
Nếu bạn là người đổ mồ hôi chân cực nhiều hãy xem xét đến việc thay tất 2-3 giờ một lần để hạn chế phồng rộp tốt nhất.
Ngoài ra việc ngâm chân dưới dòng suối mát lạnh cũng là một cách giúp chân của bạn thư giản, và đặc biệt chú ý cắt tỉa móng chân cẩn thận sẽ giúp chân bạn thoải mái hơn trong đôi giày trekking!
3. Xử lý vết phồng rộp như thế nào?
Việc xử lý ngay vết phồng triệt để khi đang trong hành trình là điều không thể. Tất cả những điều bạn có thể làm là giúp cải thiện tình trạng vết phồng đồng thời hạn chế vết phồng chuyển biến xấu hơn bằng một số cách sau:
Băng vết phồng
Che vết phồng bằng gạc mềm, băng lỏng hoặc băng keo cá nhân. Nếu vết phồng quá đau, bạn có thể cắt một lỗ tròn trên gạc như hình chiếc bánh donut hoặc có thể sử dụng mút êm và khoét lỗ to hơn vết phồng một xíu, sau đó đắp xung quanh vết phồng để tránh ép trực tiếp lên vết phồng.
Sử dụng thuốc bôi
Dùng thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem vaseline. Thuốc mỡ kháng sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tại vết phồng rộp. Bạn có thể tìm mua thuốc mỡ kháng sinh ở các hiệu thuốc. Bôi thuốc mỡ vào vết phồng theo hướng dẫn, đặc biệt là trước khi đi giày hoặc đi tất. Kem vaseline cũng có thể được dùng như thuốc mỡ.
Tuy nhiên cần vệ sinh vết phồng và tay trước khi bôi thuốc, và sau khi bôi thuốc nên băng vết phồng lại để hiệu quả tốt hơn.
Dùng phấn hoặc kem để giảm ma sát
Càng ma sát thì tình trạng vết phồng sẽ càng tệ hơn. Để giảm ma sát, bạn có thể mua loại phấn chuyên dùng cho bàn chân tại hiệu thuốc. Rắc phấn vào tất trước khi đi giày để giảm ma sát khi di chuyển. Tuy nhiên không phải loại phấn nào cũng thích hợp cho tất cả mọi người. Bạn cần ngừng sử dụng ngay nếu thấy da chân bị kích ứng.
4. Có nên làm vỡ vết phồng để đẩy dung dịch bên trong ra hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không!
Vì ngay lúc này, phần da bên ngoài phồng lên, bên dưới nó là một lớp dịch để bảo vệ lớp da mỏng hơn ở bên trong không bị tác tộng bởi ma sát, không khí và vi khuẩn bên ngoài. Nếu bạn lấy đi lớp dịch đó, phần da non sẽ tiếp tục bị ma sát và thậm chí lần này sẽ tồi tệ hơn, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng trầm trọng.
Nếu lớp dung dịch ấy vô tình bị ép ra ngoài thì sao?
Trong một số trường hợp bất đắc dĩ, vì di chuyển quá nhiều hay vì một lý do gì đó vết phồng bị bong ra một phần và giải phóng dung dịch dưới phần lớp da bị phồng. Trong trường hợp này hãy đảm bảo phần da đang tổn thương luôn sạch, không làm bong hoàn toàn lớp da phồng đồng tiến hành bôi thuốc và băng lại.