Kinh nghiệm Outdoor

Sơ cứu vết rắn cắn khi đi leo núi - trekking

 
so cuu ve thuong bi ran rcan khi leo nui cam trai
 

 

  1. Nhận biết một số loại rắn
  2. Sơ cứu vết rắn cắn
  3. Những điều nên và không nên làm khi bị rắn cắn
  4. Cách phòng chống rắn cắn. 
 

1. Nhận biết một số loại rắn

Khí hậu ẩm ướt, rừng rậm, nhiều cây cối là nơi phát triển và ẩn nấp của nhiều loại rắn. Một số loại thường gặp ở nước ta như:
 
Họ rắn hổ:
  • Rắn hổ mang:
    • Rắn hổ mang thường: (rắn hổ đất, hổ mang bành, hổ phì, hổ mèo) có cổ bạnh và phát ra âm thanh đặc trưng khi đe doạ hoặc tấn công. Có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí gần khu dân cư.
    • Rắn hổ mang chúa: cổ cũng bạnh nhưng không bạnh rộng, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu, có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, hiện nay còn được nuôi ở nhiều nơi. Kích thước lớn nặng hàng chục kilôgam, thường dài hơn 2,5m
  • Rắn cạp nong, cạp nia: khoang đen-trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen-vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước.
  • Rắn biển: Loại rắn có độc, sống dưới biển.
    • Biểu hiện nhiễm độc:
      • Tại vùng vết cắn: đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.
      • Toàn thân: đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,…dễ tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ gây khó thở.
 
Họ rắn lục:
 
  • Đặc điểm chung là: đầu thường hình tam giác, mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng.
    • Rắn lục xanh: có màu xanh lá cây các mức độ khác nhau, thường ở vùng rừng núi cả ba miền.
    • Rắn khô mộc, rắn lục mũi hếch: thân màu nâu hoặc giống như màu cành cây khô, thường ở vùng rừng núi phía Bắc.
    • Rắn choàm quạp: thân màu nâu, thường ở vùng rừng phía Nam.
  • Biểu hiện nhiễm độc: Sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Tử vong do chảy máu, mất máu.

so cuu ve thuong bi ran rcan khi leo nui cam trai cac loai ran

 
Làm sao để nhận biết rắn độc và rắn không độc:
 
  • Phân biệt rắn độc và rắn không độc bằng mắt thường khá khó. Tuy nhiên có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn: 
    • Rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng)
    • Rắn cạp nong (thân mình 'khúc vàng khúc đen')
    • Rắn cạp nia (thân mình 'khúc trắng khúc đen')
    • Họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác).
  • Nếu đã bị cắn thì có thể phân biệt rắn có độc hay không dựa vào vết cắn. Rắn độc thường có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Răng độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt. Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân.
so cuu ve thuong bi ran rcan khi leo nui cam trai ran doc
Một cách phân biệt rắn độc/ không độc dựa vào vết cắn
 

2. Sơ cứu vết rắn cắn

Khi bị rắn cắn, cần tiến hành sơ cứu ngay lập tức, sau khi sơ cứu thì tìm đường nhanh nhất đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị.
 
Mục đích của việc sơ cứu: 
  • Loại bỏ bớt nọc độc và làm chậm sự dịch chuyển của nó từ vết cắn xâm nhập vào các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Bảo vệ tính mạng của bệnh nhân, ngăn chặn và xử trí sớm các biến chứng trước khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế.
 
Cách sơ cứu:
  • Trấn an nạn nhân
  • Không để nạn nhân di chuyển, cử động. Cố định tay, chân hay bộ phận cơ thể bị cắn bằng nẹp (Vì vận động sẽ làm chất độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn)
  • Cởi bỏ đồ trang sức, hay phụ kiện quanh vết cắn (vì có thể những phụ kiện đó sẽ chèn ép gây phù nề). 
  • Áp dụng biện pháp băng ép, bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Cụ thể dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.
    Lưu ý:  Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
  • Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.
  • Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
  • Chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…
 
Chú ý: Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
 
(Theo Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108)
 
so cuu ve thuong bi ran rcan khi leo nui cam trai bien phap bang ep
Kỹ thuật băng ép cố định
 
Hiện có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc dùng giác hút độc và gảo vết thương khi bị rắn cắn như bộ Snake bite kit của Coghlans. Trên lý thuyết thì garo đúng cách và hút độc bằng giác hút là cách có thể sử dụng. Nhưng theo một số tài liệu y học thì ta không nên làm cách này. Nên mình xin phép không bàn luận về nó trong bài viết này. 
 

3. Một số việc Nên và Không nên làm khi bị rắn cắn

 
NÊN:
  • Cố định vết thương
  • Áp dụng các biện pháp sơ cứu cơ bản ở mục 2
  • Nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, đưa nạn nhân đến cơ quan y tế gần nhất
  • Quan sát theo dõi tình hình nạn nhân để thực hiện sơ cứu phù hợp, kịp thời
 
KHÔNG NÊN
  • Không dùng miệng hút chất độc
  • Không chích, rạch vết thương
  • Không buộc chặt vết thương để ngăn độc lây lan. Nó gây đau và rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân tay vì garô quá chặt. Ngoài ra khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân bị sốc, đe dọa tính mạng.
  • Không đốt vết thương
  • Không đắp lá thuốc, không đắp thảo mộc nếu bạn không hề biết rõ về nó
  • Không chườm đá
  • Không cố gắng bắt rắn: Nếu rắn đã chết thì đem xác nó theo đến bệnh viện, nếu không thì không nên cố gắng bắt nó. 
 

4. Phòng tránh rắn cắn

Học để biết, không ai muốn thực hành sơ cứu vết rắn cắn trong chuyến đi của mình cả. Nên hãy phòng tránh chúng từ những hành động nhỏ nhất:
  • Đi theo đoàn, đi theo đường mòn, không khám phá đường mới.
  • Đi giày cổ cao, quần dài, che chắn cẩn thận sẽ hạn chế được phần nào. 
  • Thấy rắn thì đừng tò mò rủ nhau lại xem, bị rắn cắn không có biến thành người rắn được đâu nên hãy đi càng xa càng tốt. 
  • Hãy chọn 1 cây đèn có ánh sáng tốt để sinh hoạt, di chuyển vào ban đêm
  • Một trong những điều con rắn làm rất tốt đó là ngụy trang, nên khi di chuyển phải hết sức cẩn thận, nên dó gậy dò đường trước ở những khu vực có bụi rậm, lá dày
  • Đa phần rắn sẽ cắn vào phần chân, bắp chân nên hãy trang bị xà cạp chống rắn cắn để tự bảo vệ mình.
  • Nếu không thật sự cần thiết hãy hạn chế đi lại khi trời tối. Vì nhiều loại rắn rất hay hoạt động về đêm.
  • Luôn kéo khóa cửa lều ngăn rắn và các loại côn trùng khác chui vào
  • Nên dọn dẹp bãi cắm sạch sẽ sau bữa ăn, không để vươn vãi thức ăn ra đất. Vì chuột, sóc sẽ đến để ăn, và rắn xuất hiện để bắt những loại này.
  • Và nhấn mạnh một lần nước rắn sẽ không tự nhiên tấn công chúng ta, chúng chỉ tấn công để tự vệ. Nên khi thấy rắn tốt nhất hãy chủ động tránh xa chúng, vừa bảo vệ bản thân, vừa bảo vệ sự đa dạng sinh học của thiên thiên.
so cuu ve thuong bi ran rcan khi leo nui cam trai phong tranh
Bạn đã tìm thấy con rắn chưa?
 
Chúc bạn có một chuyến đi an toàn và thú vị.

Chưa có sản phẩm