5 Sai lầm thường gặp của người mới bắt đầu leo núi, trekking
- Sử dụng balo sai balo, mang theo quá nhiều đồ
- Không đánh giá đúng quảng đường và địa hình
- Sử dụng sai trang phục
- Không tự trang bị những kiến thức cần thiết
- Không uống đủ nước
1. Sử dụng sai balo, mang theo quá nhiều đồ
Bạn cần sử dụng loại balo chuyên dụng cho leo núi, có đầy đủ các đai hỗ trợ, đai cố định. Đồng thời chọn đúng kích thước balo phù hợp với thời gian chuyến đi cũng như kích thước cơ thể. Việc chọn balo dựa trên rất nhiều yếu tố, bạn có thể tham khảo cách chọn balo leo núi phù hợp để chọn được cho mình chiếc balo ưng ý nhất.
Còn về vẫn đề mang theo quá nhiều đồ thì đảm bảo bạn nào mới bắt đầu cũng gặp phải.
Chắc hẳn khi xếp đồ bạn thấy "món nào cũng nên mang theo"!. Bạn đã nghe và đọc được những câu chuyện những người đi lạc trong rừng, hay bạn xem Bear Grylls thấy những tình huống sinh tồn một sống một còn, bạn nghĩ tới những tình huống sẽ sử dụng nó và nghĩ răng "Thôi, mang theo cho chắc!" rồi bạn cho tất cả vào balo - hoặc vài cái balo vẫn không đủ. Nhưng đôi khi chuyến đi của bạn không "rùng rợn" như bạn nghĩ, nó có đường mòn, có track-log và có cả người dẫn đường - Những yếu tố làm cho chuyến đi của bạn an toàn hơn. Cẩn thận là tốt, nhưng trong trường hợp này hãy suy tính thật cẩn thận xem nên đem cái gì đi và để món nào ở nhà, vì balo chỉ nên có 1!
Những thứ bạn hay mang dư nhất là áo quần, đồ ăn và nước.
Áo quần thì ngoài phải phù hợp (Sẽ đề cập ở mục sau) thì còn phải vừa đủ, vì nhiều quá sẽ làm hành lý ở nên nặng và cồng kềnh. Tất nhiên bạn không thể một ngày thay 2 bộ đồ, nhưng áo quần dự phòng thì nên có, đối với chuyến đi 2 ngày thì đem theo 1 bộ dự phòng là đủ, nến nơi không quá lạnh thì có thể xem xét để luôn áo khoác ở nhà. Tuy nhiên lượt bỏ không có nghĩa là bỏ hết, suy nghĩ kỹ nhé!
Nước: Sợ thiếu nước là tâm lý chung của những ai mới bắt đầu, đối với hành trình 1 ngày đi thì 2-3 lít nước là quá đủ, ngoài ra bạn có thể mang thêm dụng cụ lọc nước - vừa nhẹ, vừa gọn lại cực kỳ hữu ích.
Đồ ăn: Theo khảo sát thì đây là thứ được mang dư nhiều nhất, bạn sợ đói, bạn sợ lạc nên bạn mang theo rất nhiều đồ ăn dự phòng, nào là lương khô, socola, chả, xúc xích, mì gói,.... mỗi thứ một ít thôi cũng đủ tràn ngập balo rồi. Đối với những chuyến đi 1 ngày thì ngoài những bữa chính chỉ nên mang theo 2-3 bữa phụ, kèm theo thức uống bổ sung khoáng (Sủi hoặc bột hòa tan) nữa là quá đủ.
Và một số đồ linh tinh nữa, tùy vào chuyến đi và hãy xem xét bạn sẽ đi với ai để chuẩn bị đủ nhất cho chuyến đi. Tham khảo tại: Chuẩn bị gì khi đi trekking, leo núi
2. Không đánh giá đúng quảng đường và địa hình
Đây không phải là tất cả nhưng phần lớn những bạn tham gia leo núi lần đầu tiên đều không hiểu hết những "yếu tố đặc trưng" của hành trình này. Các bạn chuẩn bị tinh thần thể khám phá, để nhìn thấy những cảnh đẹp vô cùng hùng vĩ, chuẩn bị tinh thần để tận hưởng buổi sáng thanh mát, bầu không khí trong lành trên đường đi hay những bữa tiêc BBQ ngon miệng giữa rừng, một số ít bạn chuẩn bị một chút tinh thần đối mặt với sự đi bộ mệt mỏi. Nhưng sự thật là các bạn phải chuẩn bị một núi tinh thần và một ý chí thép để đối diện với một đoạn đường dài, nắng có, bụi có, và đôi khi có cả gió mưa. Đó là hành trình băng rừng lội suối và mang trên vai là balo nặng hàng chục ký... Bạn đã nghĩ đến chưa, nếu chưa thì hãy bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho nó. Nói như vậy thì liệu đây có phải là đi hành xác - Thì đó đúng là hành xác, nhưng mà là hành xác cùng nhau, hành xác đáng nhớ và sau những chặn đường hành xác là những thứ mà bạn đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận từ đầu, đôi khi còn hơn thế nữa.
Một phần trong sai lầm "Không đánh giá đúng quảng và địa hình đường đi" là bạn sử dụng sức quá nhiều trong quãng đường đầu. Ví dụ hành trình chia thành 3 phần với độ khó tăng dần, nếu bạn dùng quá nhiều sức cho chặn đường đầu tiên, đến đoạn thứ 2 bạn sẽ yếu dần, và đến đoạn khó nhất bạn hầu như không còn sức để đi tiếp. Vì thế hãy tìm hiểu đoạn đường mình sẽ đi, tốt nhất thì cứ từ từ mà đi, vừa đi vừa tận hưởng không có gì phải vội, còn muốn chắc hơn nữa thì đứa nào rủ bạn đi - lôi đầu nó lên và hỏi ngay.
Nhiều khi 'cái tôi' quá lớn để rồi cố quá sức để đi tiếp là không nên một chút nào. Vì vậy hãy là một người khôn ngoan biết lắng nghe cơ thể của bạn, có đủ sức khỏe, tinh thần thoải mái mới có thể giúp bạn tận hưởng chuyến trekking theo cách trọn vẹn nhất.
Một phần của sai lầm này là không rèn luyện sức khỏe trước chuyến đi hay không luyện tập sức bền làm bạn nhanh đuối sức, không thể hoàn thành tốt chuyến đi.
3. Sử dụng sai trang phục
Ít ai nghĩ đến sẽ mua những bộ trang phục chuyên dụng cho hiking, leo núi khi chỉ mới đi lần đầu. Nếu bạn hỏi có cần phải đầu tư một bộ đồ leo núi xịn xò không thì câu trả lời là "Không nhất thiết". Yêu cầu của một bộ trang phục leo núi là thoải mái, co giãn tốt, thấm và thoát mồ hôi tốt, bạn hoàn toàn có thể sử dụng quần thun co giãn, áo thun thường ngày để đi leo núi, trekking, chỉ cần bạn thoải mái là được.
Vậy trang phục chuyên dụng cho leo núi có ưu điểm gì: So với những trang phục sử dụng hằng ngày thì những yếu tố như thấm hút mồ hôi, thoải mái,... trang phục leo núi chuyên dụng đều nhỉnh hơn một xíu, đồng thời tính đa dụng và chống UV và độ bền của trang phục leo núi cũng là một ưu điểm.
Tất nhiên sẽ không ai mặc váy đi trekking nhưng ad vẫn phải lưu ý là đừng nên nhé! Không mặc áo sơ mi bó, không quần jean luôn nhé - Quần jean mà dính nước thì như mang tạ vào chân!
Ngoài áo quần thì giày cũng là món cần chú ý chuẩn bị. Chọn giày là cả một quá trình nên hãy tham khảo thêm tại: Phân biệt và lựa chọn giày leo núi
Ngoài ra còn có một số phụ kiện như nón, khăn, bao ống tay,... thì chuẩn bị vừa đủ, phù hợp với điện kiện thời tiết và địa hình đường đi.
4. Không tự trang bị những kiến thức cần thiết
Việc tự trang bị các kiến thức cần thiết là quan trọng và bắt buộc trước bất kỳ chuyến đi nào và đặc biệt là loại hình khá mạo hiểm như trekking, leo núi.
Sẽ không có một loại thực phẩm hay loại thuốc nào, cũng không có chế độ luyện tập nào có thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro, do vậy việc bạn cần làm là trở nên hiểu biết hơn về các vấn đề sức khỏe và kĩ năng trekking cũng như hiểu biết về nơi sắp đến để tự đảm bảo an toàn hơn cho bản thân.
Bên cạnh đó trong đoàn cần chuẩn bị các dụng cụ chuyên dụng, những dụng cụ sinh tồn cần thiết để có thể xử lý những tình huống ngoài ý muốn.
Một số kiến thức cần chuẩn chị:
Kiến thức về sinh tồn
Kiến thức về sử dụng các công cụ sinh tồn
Kiến thức y tế cơ bản về sơ cứu vết thương do va chạm và do bị cắn
Kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe
5. Không uống đủ nước
Đây là hoạt động bạn phải v���n động nhiều với cường độ cao. Bạn sẽ tiết mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước và khoáng.
Đối với khí hậu nhiệt đới nắng gắt thì việc thiếu nước sẽ dẫn đến say nắng và hạ thân nhiệt.
Không nên uống một lần quá nhiều nước vì uống như vậy sễ gây đau bụng (Xóc hông). Nên chia ra uống từng ngụm nhỏ sẽ tốt hơn. Đồng thời không nên ngậm rồi phun ra (Như cầu thủ) vì như vậy sẽ rất phí nước.
Ngoài nước thì điện giải cũng rất quan trọng cần bổ sung vì một phần điện giải lớn trong cơ thể đã mất qua mồ hôi
Càng lên cao, áp lực càng giảm thì việc cơ thể mất nước diễn ra nhanh hơn, mặc dù khi không khí lạnh thì hầu như ta ít khát nước nhưng cơ thể chúng ta thực sự thiếu nước, việc bổ sung đủ nước hoặc các đồ uống khác trong suốt quá trình trekking là việc rất quan trọng, lượng nước phù hợp còn tùy thuộc vào thể trạng và chặng đường của bạn.