Cách lựa chọn và sử dụng ba lô leo núi
Khi đi du lịch, hẳn là các bạn rất muốn lựa chọn cho mình một cái ba lô thật cool và thật ngầu, không chỉ là mong muốn mà đó còn là tiêu chí lựa chọn ba lô của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Và chắc có lúc các bạn tự hỏi mình tại sao những người phương Tây khi đi du lịch lại vác những cái ba lô cao tồng ngồng, bự chảng, mà lại có thể bước đi nhẹ nhàng như không trong khi mình đeo cái ba lô nhỏ hơn nhiều mà mới một lúc đã “xì khói”?
- Thực ra bí quyết không hoàn toàn nằm ở sức khoẻ mà ở việc chọn cho mình một cái ba lô tốt đúng loại, đúng chức năng và phù hợp với cơ thể người mang, vì ngoài kiểu dáng và màu sắc ra, những loại ba lô đi Phượt, leo núi còn ẩn chứa những công nghệ hỗ trợ người mang mà không phải ai cũng hiểu, sử dụng và khai thác được hết.
- Bài viết này, mình sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn những cách dễ nhất để lựa chọn, phân biệt và sử dụng các loại ba lô đi phượt.
1. TẠI SAO LẠI LÀ BA LÔ LEO NÚI?
- Đây là cách gọi chung đã thành thói quen của dân Phượt Việt Nam đối với các dòng ba lô dành cho du lịch chuyên nghiệp, các dòng ba lô này thường phục vụ cho các hình thức du lịch như leo núi, trekking và hiking (đi bộ đường trường), nhưng có lẽ leo núi là hình thức khắc nghiệt nhất nên tên này mặc định được sử dụng chung.
- Và ở bài viết này loại ba lô được đề cập tới là loại phổ biến nhất mà các bạn thường thấy dân Phượt Tây ba lô hay mang, đương nhiên sử dụng tốt cho rất nhiều mục đích khác như Trekking và Hiking nhưng để khỏi phức tạp, chúng ta hãy cứ theo số đông gọi chung là “ba lô leo núi”.
2. TẠI SAO BA LÔ LEO NÚI LẠI QUÁ TO?
- Nhiều người cứ nghĩ đến ba lô leo núi là lắc đầu lè lưỡi vì nghĩ ngay đến mấy cái ba lô mà các bạn Tây hay vác. Nhưng thực ra ba lô leo núi không phải cái nào cũng to như thế. Giới đi Phượt Việt Nam chỉ mới manh nha sử dụng ba lô leo núi trong thời gian gần đây thôi, với bản tính xuề xoà và cũng một phần vì lý do kinh tế mà các bạn thường có gì xài đó hoặc lựa những loại ba lô rất bình thường mà các bạn có thể dùng để đi học, đi làm cho mục đích đi Phượt, nên các dòng ba lô chuyên nghiệp chủ yếu được thấy ở Việt Nam bởi các đồng chí Tây mang qua, mà người phương Tây khi đi bụi thường đi rất lâu, có thể vài tháng đến cả năm cộng với thể hình và thể lực tốt nên họ thường chọn những loại lớn âu cũng là phù hợp với nhu cầu. Vô hình chung khiến người Việt Nam nghĩ đến ba lô đi bụi là cứ phải khổng lồ.
hình minh hoạ: Internet
- Dung tích của ba lô leo núi được tính bằng thể tích (đơn vị phổ biến nhất là Lít), có những loại rất nhỏ, chỉ khoảng 5 – 15L để sử dụng cho những chuyến đi trong ngày, hoặc những cuộc thi leo núi, những loại nhỏ nhất thường chỉ dùng để đựng 1 túi nước silicone (Hydration bag), cho đến những loại rất to (Có thể trên 100L) cho những người có thân hình khủng và nhu cầu đi bụi dài ngày.
3. CẤU TẠO VÀ CHỨC NĂNG CỦA BA LÔ LEO NÚI
Ba lô leo núi có gì khác với ba lô thông thường?
- RẤT NHIỀU! Vì một cái ba lô để có thể phục vụ cho loại hình Phượt như leo núi hay Trekking thì có rất nhiều yêu cầu (chủ yếu là để hỗ trợ sức khoẻ) mà nó phải đáp ứng hơn chỉ là một cái túi với hai quai có thể đeo được ở trên lưng như các loại ba lô rẻ tiền đầy ngoài vỉa hè. Khi bạn thực hiện một chuyến đi khắc nghiệt với thời gian kéo dài đến cả tháng và hầu hết thời gian đó bạn phải đeo ba lô, nếu đó là một cái ba lô giá rẻ không đúng tiêu chuẩn thì chắc bạn không biết hậu quả tồi tệ nhất là nó có thể khiến biến dạng cột sống, lệch vai và nhiều tác hại khác nữa. Vậy điều gì mang đến sự khác biệt và vì sao bạn nên chọn ba lô chuyên nghiệp?
Bạn sẽ chọn ba lô thường hay chuyên nghiệp?
- Chức năng và cấu tạo của một ba lô leo núi có những điểm chính như sau:
- Thiết kế: Điểm dễ nhận biết nhất đối với một ba lô leo núi, chúng được thiết kế với hình dạng và kích thước đặc biệt, rất khác so với những loại ba lô thông thường, thiết kế phổ biến là dài dọc theo lưng người mang. Mục đích là giúp ba lô ôm sát lưng, và trọng lực được dồn thẳng xuống dưới.
- Phân tán trọng lực là vấn đề tối quan trọng với ba lô, và ba lô leo núi thì thường làm rất tốt việc này. Đối với những loại ba lô thông thường, sức nặng của hành lý và cả chính nó thường dồn hết lên đôi vai, việc này sẽ khiến chúng ta có cảm giác ba lô dường như nặng hơn và sẽ rất đau vai sau vài ngày đi liên tục, lúc leo dốc cảm giác còn tồi tệ hơn, như có 2 cánh tay nắm lấy 2 vai và kéo ngược về phía sau, nhưng với ba lô leo núi thì khác, việc thiết kế khoa học giúp trọng lực phân tán đều trên lưng, và điểm chịu lực nhiều nhất là HÔNG, vai hầu như chỉ đóng vai trò là phần níu giữ ba lô khỏi ngửa ra phía sau mà thôi.
- Đệm lưng: là phần thường được người dùng quan tâm nhất khi chọn mua ba lô leo núi, đệm lưng bao gồm phần lót êm tiếp xúc với lưng và cả phần khung (có thể bằng kim loại hoặc các vật liệu tổng hợp) ở bên trong giúp phần lưng ba lô đứng thẳng, cứng cáp, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc giữ cho đồ đạc của chúng ta ổn định và không bị xáo trộn sau khi đã sắp xếp ngăn nắp trong ba lô, ngoài ra nó giúp hướng trọng lực của ba lô dồn thẳng xuống hông và nằm ổn định sau lưng. Thường thì những thanh đỡ lưng ba lô bằng vật liệu cứng đều có thể lấy ra được.
- Quai đeo: Tuỳ vào từng loại và từng kích thước mà các loại ba lô leo núi thiết kế quai đeo với các chất liệu và độ dày-mỏng khác nhau, nhưng nhìn chung, quai của ba lô leo núi rất êm và chắc chắn, đồng thời chất liệu phải thông thoáng, thoát mồ hôi.
- Đai trợ lực: Như đã nói ở trên, ba lô leo núi đòi hỏi phải làm thật tốt việc phân tán đều trọng lực, mang lại cảm giác thoải mái cho người mang, để làm được việc này, trên ba lô leo núi có khá nhiều dây và đai trợ lực, một số người không quen sử dụng không hề biết đến công dụng và mục đích của chúng, đôi khi họ còn thấy nó thật thừa thãi và lằng nhằng. Nhưng một cái ba lô leo núi hầu như không thể thiếu những “dây nhợ lằng nhằng” này, và nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách thì hiệu quả mang lại là không hề nhỏ. Chi tiết về các đai và dây trợ lực cùng với cách sử dụng mình sẽ đề cập tới ở phía dưới, mục số 5 “Hướng dẫn sử dụng”.
- Các ngăn và cửa lấy đồ: Đây cũng là điều đáng chú ý với các ba lô leo núi, thường chúng được thiết kế với 2 cửa lấy đồ (với những dòng cỡ nhỏ thì không cần thiết nên có thể chỉ có 1) và các ngăn phụ đều có những chức năng quan trọng của nó, ví dụ như: Ngăn chứa túi nước uống (Hydration pocket), ngăn đựng áo mưa trùm ba lô (Rain cover), ngăn đựng chai nước,…
- Ngăn chứa túi nước uống (Hydration pocket): Tại sao mình lại đề cập riêng tới bộ phận này? Là bởi vì 99% các bạn đều hiểu sai tác dụng của bộ phận tuyệt vời này thành...ngăn đựng laptop. Dĩ nhiên nó cũng hoàn toàn có thể đựng laptop, nhưng đó không phải mục đích thiết kế của nó. Đây là một ngăn thường nằm phía trong và sát với lưng ba lô, hầu hết chỉ là một lớp vải được may thun (chun) ở mép trên để giữ túi nước, ngay phía trên ngăn đó sẽ có một dây móc (thường bằng băng xé - dán) được may dính vào mép trên cùng lưng ba lô dùng để treo túi đựng nước (Hydration bag - thường được bán riêng trong các cửa hàng chuyên nghiệp), ở gần đó cũng trên mép trên cùng lưng ba lô sẽ có một khe nhỏ được làm rất tinh tế thông ra ngoài, thường được đánh ký hiệu "H2O", đây là cửa để đưa vòi nước từ bên trong ra ngoài. Phụ kiện này rất tuyệt đối với dân Trekking chuyên nghiệp, vì bạn không cần phải xách theo những chai nước lỉnh kỉnh mà mỗi lần uống phải bỏ ba lô xuống để lấy nó ra, rồi khi uống xong nếu không muốn vứt lung tung góp phần gây ô nhiễm môi trường bạn phải mang cả vỏ chai theo, rất phiền phức, thay vào đó, một túi đựng nước Hydration bag có dung tích 2 hoặc 3L được bỏ gọn trong ba lô có thể đáp ứng đủ nhu cầu nước trong một ngày, bạn có thể vừa đi vừa uống bằng vòi rất tiện.
Túi nước Hydration bag là phụ kiện tuyệt vời cho dân Trekking
- Các bộ phận móc và đai ràng thêm đồ bên ngoài: Những thứ rất hữu ích này thường gây bối rối và cảm giác rườm rà với những người không quen sử dụng ba lô chuyên nghiệp. Nhưng có chúng các bạn có thể giải quyết nhẹ nhàng những vấn đề khi cần phải mang theo những vật dụng cồng kềnh, lỉnh kỉnh cho những chuyến đi xa, dài ngày, ví dụ như: Túi ngủ, tấm trải, lều, gậy leo núi… Những món đồ này rất khó chịu nếu phải bỏ vào trong ba lô thì sẽ chiếm rất nhiều thể tích. Đó là lý do vì sao chúng ta nên ràng chúng ra bên ngoài.
Khi ba lô trở nên quá chật chội, những thứ lỉnh kỉnh nên được treo bên ngoài
4. CHỌN KÍCH THƯỚC BA LÔ THẾ NÀO THÌ HỢP LÝ?
Chọn kích thước balo đồng nghĩa với việc chọn thể tích và hình dáng của balo.
- Ở đây mình đang nói đến lựa chọn kích thước lưng (size) ba lô phù hợp với kích cỡ lưng người mang, không phải lựa chọn dung tích (capacity) lớn - nhỏ của ba lô để đựng đồ cho chuyến đi, đây là hai khái niệm khác nhau mà các bạn cần phân biệt (vì dịch sang tiếng Việt thì rất dễ gây hiểu lầm). Cỡ lưng nhỏ không có nghĩa là ba lô đó có dung tích nhỏ và ngược lại. Và để tìm ra cỡ lưng ba lô phù hợp với mình nhất, các bước sẽ như sau:
- Kiểm tra CỠ LƯNG: Các bạn lưu ý là cỡ LƯNG chứ không phải cỡ NGƯỜI. Một người có chiều cao tốt chưa chắc lưng họ đã dài hơn những người thấp hơn.
- Đưa hai tay làm động tác như chống nạnh, bạn sẽ cảm nhận thấy phần cao nhất của xương hông (xương chậu), đây sẽ là điểm dưới của lưng.
- Đứng thẳng lưng và thả lỏng, đưa tay lên và xác định vị trí giao giữa đường thẳng nối 2 điểm cao nhất của 2 vai với cổ, đây sẽ là điểm trên của lưng.
- Cỡ lưng (chiều dài lưng) bạn sẽ là đường nối 2 điểm trên và dưới của lưng.
Cách xác định cỡ lưng
- Kiểm tra cỡ LƯNG BA LÔ: Cỡ lưng ba lô không phải là kích cỡ ba lô, có một số loại ba lô cỡ khá lớn nhưng cỡ lưng lại nhỏ, để sử dụng cho những người có cỡ lưng nhỏ nhưng đi dài ngày.
- Điểm dưới lưng ba lô là cạnh dưới của ĐAI HÔNG
- Điểm trên lưng ba lô là điểm mà quai vai ba lô giao với lưng ba lô (Thường là ngay chỗ đường may đính quai ba lô vào lưng ba lô
Cách xác định cỡ lưng ba lô
- Sau khi xác định được cỡ lưng và cỡ lưng ba lô, bây giờ bạn mang thử ba lô lên.
- Đầu tiên chỉnh phần đai trợ lực (ổn định) hông sao cho điểm dưới ba lô nằm ngay vị trí điểm duới lưng sau đó siết chặt đai để cố định.
- Tiếp đến bạn siết quai cho ba lô ép sát vào lưng và sau đó kiểm tra như sau:
- Nếu điểm trên của LƯNG ba lô (không phải đỉnh ba lô) nằm ngang với điểm trên của lưng, thì đó là kích cỡ ba lô phù hợp nhất với bạn.
- Nếu điểm trên của lưng ba lô nằm cao hơn điểm trên của lưng, có lẽ cỡ ba lô đó khá lớn hơn so với bạn.
- Nếu điểm trên của lưng ba lô nằm thấp hơn điểm trên của lưng, có lẽ cỡ ba lô đó hơi nhỏ hơn so với bạn.
Định nghĩa chung: Ba lô leo núi phù hợp nhất với thể hình của bạn có kích thước (chiều cao) LƯNG BA LÔ bằng với CỠ LƯNG của bạn.
- Hiện nay các loại ba lô leo núi cỡ lớn thường được nhà sx thiết kế với phần lưng có thể điều chỉnh được (Adjustable), thường là điều chỉnh điểm trên của lưng ba lô. Dĩ nhiên đây là một thiết kế tuyệt vời vì hầu như ai cũng có thể mang vừa, không cần phải chọn nữa chi cho mệt, và thiết kế này có vẻ được chuộng hơn loại lưng cố định (Fix), tuy nhiên mình khuyên các bạn không nên lạm dụng dòng ba lô điều chỉnh cỡ lưng quá, chỉ nên chọn khi mức bạn sử dụng phải điều chỉnh không chênh lệch quá nhiều với mức cao tối đa có thể chỉnh được, vì dù sao dòng lưng cố định vẫn mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn.
Một loại ba lô có khả năng điều chỉnh cỡ lưng của Jack Wolfskin
5. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG BA LÔ LEO NÚI ĐÚNG CÁCH
- Điều này thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế có rất nhiều người sử dụng sai cách hoặc không hề biết cách sử dụng ba lô leo núi mặc dù sở hữu một cái ba lô tốt và đắt tiền, điều này thật uổng phí vì thực ra chuyện này không hề phức tạp, chỉ là do họ không chịu tìm hiểu vì nghĩ rằng nó quá đơn giản, thế nên việc không biết hoặc không để ý đến một vài sợi dây trên ba lô được làm cho mục đích gì họ cũng cho đó là bình thường, như vậy thì rất uổng phí cho số tiền họ phải bỏ ra để sở hữu cái ba lô đó.
Cách xếp hành lý, đồ đạc vào ba lô:
- Có rất nhiều cách để đóng gói hành lý khi đi du lịch với những bài hướng dẫn chi tiết trên internet, các bạn có thể thoả sức sáng tạo thêm các cách riêng của mình, nhưng ở đây mình sẽ gợi ý cách mình thường sử dụng và thấy hiệu quả nhất. Đó là chia đồ đạc ra theo từng túi nhỏ và xếp vào ba lô theo nguyên tắc: Nặng nằm dưới, nhẹ nằm trên, những đồ thiết yếu thường xuyên sử dụng để ở những ngăn phụ, những đồ lớn, lỉnh kỉnh, chiếm thể tích sẽ ràng, cột ở bên ngoài.
Hình minh hoạ: Internet
- Để dùng cách này hiệu quả nhất, bạn cần có vài cái túi nhỏ, tốt nhất là sử dụng túi khô (Drybag) chuyên dành cho du lịch đối với những đồ như quần áo, đồ điện tử, bởi vì ngoài đựng đồ, nó còn chống nước, giữ cho đồ nghề của bạn được an toàn dù ba lô có bị rơi xuống nước. Đồ nhỏ hơn có thể sử dụng những túi đựng đồ cá nhân nhỏ nhắn. Đây là cách xếp khoa học, mục đích chính là giữ cho đồ đạc không bị lẫn lộn vào nhau, dễ dàng tìm kiếm, lấy đồ khi cần, ngoài ra bảo vệ đồ khỏi bị dơ, ướt vì những túi nhỏ được sử dụng cho du lịch thường có tính chống thấm nước.
- Những đồ nghề thường nên được ràng ở bên ngoài khi cần tiết kiệm diện tích ba lô: Gậy leo núi, búa leo núi, cuốc, xẻng, lều, túi ngủ, giày,…
Cách phân biệt và sử dụng các loại dây, đai trợ lực:
- ĐAI HÔNG: Là 2 tay đai to bản nằm hai bên hông dưới ba lô, dùng để siết vòng quanh hông chúng ta, giữ phần dưới ba lô cố định ở hông – phần chịu trọng lực chính và tốt nhất trên cơ thể. Khi đeo ba lô, các bạn siết khoá cài của đai ở trước bụng sau đó siết dây chặt lại.
- DÂY TRỢ LỰC HÔNG: Là đoạn dây siết nối mặt ngoài đai hông với mép lưng ba lô (một vài loại ba lô cỡ nhỏ có thể không có), sau khi đã siết chặt đai hông, ta siết tiếp dây này, ta có thể thấy sau khi siết, đai hông được uốn thành hình vòng cung, tác dụng của nó là khiến đai ôm đều giúp phân tán trọng lực và lực ma sát đều quanh hông, tránh việc tạo ra một điểm tì. Sau đó các bạn kiểm tra để đảm bảo ba lô không bị xộc xệch quá nhiều.
- ĐAI NGỰC: Dây đai này rất dễ nhận biết và hầu như ai cũng biết cách sử dụng, đó là 2 đoạn dây nối 2 quai đeo vai ba lô lại với nhau bằng khoá cài, vị trí nằm ngay trước ngực. Mục đích của đai này là giúp giữ ổn định quai ba lô. Một số dòng ba lô tích hợp còi cứu sinh vào trong khoá cài của đai ngực vì vị trí "đắc địa của nó nằm gần dưới miệng, phòng trường hợp khẩn cấp.
Đai ngực tích hợp còi (vòng xanh) và đai hông (vòng đỏ)
- QUAI ĐEO VAI: Và bộ phận cơ bản nhất của ba lô, ôm lấy phần vai của chúng ta, tác dụng chính là níu vào vai, giữ ba lô ổn định trên lưng, không bị ngửa ra phía sau và không bị xộc xệch. Các bạn lưu ý: Vai không phải điểm chịu lực chính đối với ba lô leo núi.
- DÂY TRỢ LỰC VAI: Là đoạn dây siết nối mặt trên của quai đeo vai ba lô với nóc lưng ba lô, sau khi đeo ba lô lên vai và siết chặt dây quai, ta siết tiếp dây này, sau khi siết bạn sẽ thấy hiệu ứng giống như trợ lực hông, phần quai đeo vai ba lô được uốn cong thành hình vòng cung, mục đích cũng giống như vậy, giúp phân tán lực đều trên vai, tránh tạo ra điểm tì khiến đau vai do ma sát.
- ĐAI ỔN ĐỊNH THÂN BA LÔ: Là đoạn dây siết nối phần mặt ngoài của thân ba lô với lưng ba lô, một số loại ba lô cỡ nhỏ có thể không có loại đai này, và rất nhiều người không rõ tác dụng và thường bỏ quên mất nó, nhưng công dụng của nó cũng rất quan trọng. Sau khi xếp xong đồ đạc vào trong ba lô, công việc của đai ổn định thân ba lô là siết chặt thân ba lô để ép, giữ đồ phía trong ổn định, không xộc xệch trên đường đi, vì khi đồ đạc được tự do bay nhảy trong ba lô, vô tình sẽ tạo ra những lực với đủ mọi hướng kéo ngược chúng ta lại, cảm giác khá là khó chịu.
Từ trái qua: Dây trợ lực vai, dây trợ lực hông và đai ổn định thân ba lô
- Để đeo ba lô đúng cách và đảm bảo sự thoải mái nhất cho chuyến đi, có một định lý: Cảm giác tốt nhất là khi người và ba lô như một thể hợp nhất, liền một khối. Để được như vậy ta nên làm theo trình tự như sau:
- Nới quai đeo vai ba lô, mở hết các khoá cài, sau đó nhẹ nhàng đưa ba lô lên lưng và đeo vào vai
- Khoá và siết chặt đai hông, các bạn phải lưu ý vị trí của đai hông là nằm trên điểm cuối của lưng, tức trên 2 đỉnh xương chậu của chúng ta, sau đó siết dây trợ lực hông, điều chỉnh đến khi đạt cảm giác thoải mái và chắc chắn nhất
- Siết quai đeo vai ba lô cho ôm sát vào người, sau đó siết dây trợ lực vai căng hết cỡ, điều chỉnh để được cảm giác tốt nhất.
- Siết đai ngực
Và bạn đã sẵn sàng để đi rồi đấy!
Chúc các bạn lựa chọn được ba lô ưng ý!