Nên làm gì nếu không may đi lạc khi đang leo núi, trekking?
Hiking, leo núi - những hành trình thú vị, đầy trải nghiệm với những tình huống xảy ra khó lường trước. Thật khó có thể giữ được bình tĩnh khi đi lạc đoàn, cũng không thể bắt một người vừa bắt đầu với bộ môn leo núi, dã ngoại tìm hiểu tất tần tật về kiến thức sinh tồn, hay cách tự thoát ra khỏi rừng nếu đi lạc. Đọc tới đây bạn đừng sợ mà rút lui nhé, xác suất để đi lạc là rất thấp, chỉ cần bạn cẩn thận bám đoàn và có những người đồng đội tốt. Tiếp đó bạn hãy tham khảo bài viết sau để trang bị cho mình hướng giải quyết cơ bản nếu có lỡ đi lạc nha!
- Cố gắng giữ bình tĩnh - không hoảng loạn
- Tự tìm lối ra hay chờ cứu hộ?
- Không đi lang thang
- Chỗ trú và thức ăn
- Lửa
- Quyết tâm không đi lạc
1. Cố gắng giữ bình tĩnh - không hoảng loạn
Trong trường hợp đang đi phát hiện mình bị lạc, mà lại lạc trong rừng nữa thì ai mà bình tĩnh được. Tác giả biết chứ, nên mới dùng từ "Cố gắng giữ bình tĩnh", phải hết sức bình tĩnh bởi bạn phải bình tĩnh, tinh thần có ổn định thì những quyết định, phán đoán sau đó mới chính xác được. Cách tốt nhất để lấy lại bình tĩnh là bạn hãy dừng lại, đặt hành lý xuống, nhắm mặt lại và hít thở thật sâu, thật đều cho tới khi nào thật sự bình tĩnh.
Một nguyên tắc quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu và thực hiện được đó là nguyên tắc S.T.O.P
|
Và hãy lưu ý: Điểm bắt đầu cũng là điểm quyết định của việc bạn có an toàn thoát ra khỏi rừng không là sự bình tĩnh của bạn. Phải giữ được bình tĩnh bằng bất kỳ giá nào.
2. Tự tìm lối ra hay đợi cứu hộ?
Đây là câu hỏi được quan tâm đầu tiên, nhiều nhất khi đi lạc trong rừng. Vậy khi phát hiện mình đi lạc thì nên ngồi 1 chỗ để đợi cứu hộ, hay cố gắng tự tìm đường thoát? Cái nào sẽ an toàn hơn, tốt hơn?
Câu trả lời là không có cái nào tốt hơn cái nào, không có cái nào ưu tiên hơn cái nào. Hãy đưa ra lựa chọn dựa trên những gì bạn có, dựa trên khả năng của bạn.
Lựa chọn đi tiếp, tự tìm lối ra khi:
- Bạn rất am hiểu về địa hình khu vực này.
- Bạn có Tracklog, hoặc la bàn và bản đồ, tất nhiên là bạn biết cách sử dụng nó.
- Bạn có tình trạng sức khỏe tốt, không bị bất kỳ chấn thương nào.
- Bạn có kiến thức tốt về sinh tồn và có khả năng thực hành tốt những kiến thức đó.
- Bạn có đầy đủ dụng cụ sinh tồn để ứng phó khi trường hợp không may khác xảy ra.
Có rất nhiều yêu cầu cần có để bạn có thể tự tin tự tìm lối ra, người hội tụ đủ những yếu tố này chỉ có thể là leader, người dẫn đường, hoặc một “lão làng” dày dặn kinh nghiệm. Còn đối với những người mới bắt đầu với bộ môn này mà lỡ có đi lạc thì hãy suy nghĩ đến việc “đợi cứu hộ”.
Lựa chọn đợi cứu hộ khi nào?
Khi bạn không thể đi tiếp, không hội tụ đủ tất cả những điều kiện cần có để đi tiếp thì nên đợi cứu hộ đến. Đợi cứu hộ không có nghĩa là sẽ ngồi im 1 chỗ. Bạn cần tìm nơi trú ẩn an toàn và đảm bảo mình có đủ đồ ăn, nước uống đến khi cứu hộ đến. Đồng thời cần tìm một vị trí thoáng, đủ độ cao để tạo tín hiệu cầu cứu.
3. Không đi lang thang
Điều tối kị khi bị lạc đó là đi lang thang. Đừng nghĩ bạn đang cố tìm ra đường để thoát khỏi rừng. Điều này chỉ làm cho bạn mất định hướng, đi trong vô định. Vì khi đi như thế bạn sẽ rơi vào mê cung của núi rừng, càng đi càng hoảng loạn, càng đi càng không tìm được đường ra, sẽ dẫn đến kiệt sức và nhiều trường hợp không mong muốn khác.
4. Chỗ trú và thức ăn
Cho dù là đi tiếp để tìm đường ra, hay là dừng lại đợi cứu hộ thì việc đảm bảo chỗ trú ẩn, đồ ăn và nước uống cũng là điều bắt buộc.
Việc tìm nơi trú ẩn là bắt buộc vì ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp, bạn sẽ dễ bị nhiễm lạnh bởi sương, nhiệt độ thấp,... những nơi trú ẩn có thể là lều, gốc cây, hốc đá, hoặc tự tạo chỗ trú cho bản thân....
Đồ ăn và nước sạch: Giới hạn của con người là nhịn khát trong vòng 3 ngày và nhịn đói trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên đối diện với sự sinh tồn ngoài đời thực thì không thể đợi tới điểm giới hạn được. Đó là lý do đồ ăn và nước uống cần được chuẩn bị dự phòng.
Sẽ có 2 trường hợp:
May mắn - kết quả của sự chuẩn bị chu đáo
- Bạn có đủ dụng cụ sinh tồn cần thiết, bạn có lều, có đủ trang phục giữ ấm và lương thực, nước uống cho 1-2 ngày tới.
- Thì việc bạn cần làm là tìm một nơi an toàn, cao, thoáng để dừng lại và tạo tính hiệu cầu cứu ra bên ngoài.
- Nhưng đây là điều kiện lý tưởng, đa số sẽ rơi vào trường hợp 2.
Không được may mắn
Chắc chắn hành lý của bạn phải có thức ăn, nước uống và trang phục để giữ ấm. Ít nhất cũng phải đủ để bạn có thể tìm thấy nguồn nước bổ sung. Để làm được điều này bạn cần có một kiến thức vững về thực vật để tìm thức ăn (trước khi xuất phát hãy hỏi người dân ở khu vực đó, hoặc người dẫn đường về những loại trái, lá có thể ăn được, hoặc bạn có thể hỏi trên đường đi). Tiếp đó là hiểu biết về nước trong sinh tồn, cách tìm và lọc nước trong sinh tồn. Đồng thời cần có những dụng cụ sinh tồn và kiến thức sinh tồn cần thiết.
Nhưng để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt không may mắn thì thì vô cùng khó, nên hãy chuẩn bị chu đáo để quay về trường hợp 1 nhé!
Sau khi ổn định về chỗ trú và thức ăn hãy tạo tín hiệu cầu cứu để mọi người bên ngoài có thể dễ dàng tìm thấy bạn hơn. Cụ thể hãy tham khảo bài viết: Những cách tạo dấu hiệu cầu cứu khi đi lạc.
5. Đốt lửa
Trong sinh tồn, trong rừng vào ban đêm thì nhất định phải đốt được 1 đống lửa - nếu không thì xác định.
Vậy làm thế nào để nhóm lửa?
Cơ bản thì cần có bùi nhùi, củi và nguồn lửa. Trong rừng thì hẳn là không sợ thiếu củi rồi, vấn đề là bạn phải có nguồn lửa. Không thể nào tạo lửa bằng cách cọ sát cây, hay lấy 2 cục đá đập vào nhau như trên phim. Bạn cần có bật lửa, diêm hoặc là đánh lửa. Và cái mà mình khuyên dùng đó là đánh lửa, vì nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi nước và điều kiện bên ngoài. Đừng quên học cách sử dụng đánh lửa trước hành trình, vì đi lạc thì giữ được bình tĩnh để ngồi xuống là giỏi rồi, đừng nói tới việc ngồi xuống rồi mới học cách đánh lửa.
Đống lửa ngoài ý nghĩa trấn an tinh thần bạn, nó còn giúp xua đuổi côn trùng, thú rừng vào ban đêm. Ngoài ra nó còn thu hút sự chú ý của con người, tăng khả năng đội cứu hộ tìm thấy bạn.
Tham khảo thêm cách đốt lửa trại.
Ngoài lửa (dụng cụ đánh lửa) thì bạn cần chuẩn bị những vật dụng sinh tồn cần thiết để đề phòng khi đi lạc.
6. Quyết tâm không đi lạc
Việc lạc khỏi đồng đội khi đi leo núi, trekking là vô cùng khó xảy ra, phải nói là xác suất xảy ra rất thấp và dường như là bằng 0 khi bạn chú ý và cẩn thận.
Lưu ý một số điều sau để đảm bảo chắc chắn bạn không lạc khi đi leo núi:
- Bám đoàn - không bao giờ tách ra đi 1 mình đây là nguyên tắc quan trọng nhất, hiệu quả nhất để không bị lạc. 1 đoàn có thể đoàn chia thành 2-3 nhóm, nhưng khoảng cách giữa các nhóm phải đảm bảo nhìn thấy nhau, 1 nhóm phải từ 3-4 người. TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐI MỘT MÌNH.
- Tại điểm cắm trại khi đi lấy củi hay đi vệ sinh thì cũng nên đi 2 người trở lên.
- Đi theo lối mòn, tracklog. Không nên khám phá đường mới, vì ngoài nguy cơ bị lạc thì còn thú rừng, côn trùng, bò sát vô cùng đáng sợ. Chúng đã chừa lối mòn cho chúng ta đi rồi thì hãy bám theo đường mòn mà di chuyển nhé!
- Vai trò của Leader là rất quan trọng trong việc đảm bảo số lượng thành viên trong đoàn. Nên phân công người có đủ khả năng để dẫn đường và chốt đoàn cụ thể.
Cơ bản tuân thủ những điều trên thì bạn không cần lo sẽ bị lạc đâu. Còn đã tuân thủ nhất nhất những điều trên mà vẫn lạc thì đó là lạc cả đoàn, vẫn đỡ sợ hơn là lạc 1 mình nhỉ.