Cấu tạo và những kiến thức cơ bản về ống nhòm
- Điều quan trọng cần lưu ý khi chọn ống nhòm
- Chọn thông số ống nhòm theo nhu cầu sử dụng
- Hoạt động quang học của ống nhòm
- Tính năng bảo vệ cho ống nhòm
1. Điều quan trọng cần lưu ý khi chọn ống nhòm
Điều đáng quan tâm nhất khi chọn ống nhòm cho một người mới bắt đầu là các con số. Vậy Các con số (thông số kỹ thuật) trên ống nhòm có ý nghĩa gì?
Thông số cơ bản của ống nhòm thường biểu thị theo dạng: Độ phóng đại x đường kính vật kính, trong trường hợp này là 8x42, trong đó “8x” là độ phóng đại của ống nhòm và “42” là đường kính (tính bằng milimét) của vật kính.
Độ phóng đại:
Thông số được quan tâm đầu tiên khi chọn ống nhòm đó là độ phóng đại của ống nhòm: VD độ phóng đại của ống nhòm trên là "8x", nghĩa là độ phóng đại của ảnh qua ống nhòm sẽ đạt 8 lần (hay mức độ thu hẹp khoảng cách sẽ tương đương 8 lần khi so với nhìn bằng mắt thường). Ngoài ra có những loại ống nhòm có độ phóng đại trong 1 khoảng, gọi là ống nhòm zoom, Ví dụ như 7-21x50, tức là độ phóng đại của ống nhòm sẽ thay đổi được từ 7-21 lần. Tuy nhiên chất lượng của ống nhòm zoom thay đổi thất thường và chất lượng hình ảnh phụ thuộc vào kích thước vật kính.
Độ phóng đại phổ biến là 8x hoặc 10x.
Đồng thời độ phóng đại cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của bạn khi sử dụng ống nhòm. Độ phóng đại thấp thì tầm nhìn rộng, độ phóng đại lớn thì tầm nhìn hẹp hơn, tập trung chi tiết hơn.
Kích thước vật kính:
Kích thước vật kính sẽ ảnh hưởng một chút đến kích thước vật lý của ống nhòm và lượng ánh sáng mà chúng có thể thu thập. Đường kính vật kính lớn, thí kích thước ống nhòm sẽ lớn và nặng hơn, và khả năng thu sáng cũng tốt hơn, đồng nghĩa với việc hình ảnh thu được cũng sắc nét hơn.
Dựa theo kích thước của vật kính, ống nhòm được chia thành 3 loại là ống nhòm cỡ lớn (full-size), cỡ vừa (Midsize) và cỡ nhỏ (Compact):
- Cỡ nhỏ (Compact): Vật kính có kích thước nhỏ hơn 30mm (Ví dụ 8x25, 10x28, ....)
- Cỡ vừa (Midsize): Kích thước vật kính từ 30mm đến 40mm (Ví dụ: 10x30, 8x32, ...)
- Cỡ lớn (full-size): Kích thước vật kính lớn hơn 40mm (Ví dụ: 8x42, 10x50, ...)
2. Chọn thông số ống nhòm theo nhu cầu sử dụng
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn thông số và kích thước ống nhòm khác nhau, cụ thể như:
Ống nhòm cho hiking, trekking, leo núi
Đối với những chuyến hiking, leo núi thì kích thước và trọng lượng của ống nhòm là yếu tố được quan tâm hàng đầu thay vì độ phóng đại và kích thước vật kính. Sự lựa chọn tốt nhất là cân bằng được độ gọn nhẹ và công năng của sản phẩm. Độ phóng đại phù hợp cho loại hình du lịch này là khoảng 8x đến 10x và đường kính vật kính nên nhỏ hơn 28mm ví dụ như 8x25, 10x25, 8x28 và 10x28 đều là lựa chọn có thể xem xét. Một lưu ý nếu chuyến đi của bạn có điểm đến là núi cao và sương mù dày đặc thì nên chọn một chiếc ống nhòm có chống nước, chống sương mù (Cái giá phải trả cho 2 yếu tố này tương đối lớn nên nếu không thật sự cần thiết bạn có thể bỏ qua chúng).
Ngoài ra còn có những tính năng bổ sung khác như là các yếu tố bảo vệ như lớp phủ cao su, cũng như kết cấu chống thấm nước và chống sương mù,...
Ống nhòm ngắm những động vật chuyển động nhanh
Các mẫu phổ biến bao gồm 8x32, 8x42, 10x32 và 10x42. Đi với độ phóng đại cao hơn (10 thay vì 8) khi bạn có khả năng ở rất xa các con vật. Một chiếc ống nhòm loại Midsize với vật kính 32mm thay vì vật kính full-size với vật kính 42mm nếu bạn ưu tiên sự gọn nhẹ cho di chuyển
Ống nhòm để chèo thuyền
Nếu bạn tìm một chiếc ống nhòm cho những hoạt động trên mặt nước như đi ca nô, chèo thuyền kayak, SUP. Đối với hoạt động này bạn có thể chọn một chiếc ống nhòm có độ phóng đại vừa phải, chẳng hạn như 8 hoặc ít hơn, vì một chiếc ống nhòm có độ phóng đại cao, sẽ khó ổn định khi bạn cứ chao đảo trên thuyền, SUP - 8x32 là kích thước phổ biến. Và tất nhiên đây phải là một chiếc ống nhòm chống nước.
Ống nhòm để ngắm sao
Để ngắm được sao bằng ống nhòm bạn phải tối đa hóa độ phóng đại cũng như khả năng thu thập ánh sáng của ống nhòm. Một chiếc ống nhòm Full-size là cần thiết trong trường hợp này ví dụ như 10x42 hoặc 10x50. Một chiếc tripod để giữ cố định ống nhòm sẽ cho ra hình ảnh ổn định hơn.
3. Hoạt động quang học của ống nhòm
Nếu bạn chỉ muốn chọn một chiếc ống nhòm đơn giản cho chuyến leo núi, dã ngoại sắp tới thì chỉ cần quan tâm đến 2 thông số trên. Còn sau đây là một số kiến thức chuyên sâu hơn về ống nhòm, giúp bạn hiểu rõ hơn về nó.
Vật liệu thấu kính và lớp phủ thấu kính: Lớp phủ thấu kính giúp làm giảm sự phản chiếu nhiễu sáng, hình ảnh quan sát được rõ ràng hơn, chất lượng hơn.
Hệ lăng kính
Hệ lăng kính là các yếu tố quang học hướng ánh sáng từ hình ảnh qua ống nhòm đến mắt bạn.
Dựa theo đường đi của ánh sáng chia làm 2 loại:
- Ống nhòm sử dụng hệ lăng kính Porro hay còn gọi là hệ lăng kính cồng kềnh.
- Ống nhòm sử dụng hệ lăng kính Proof hay còn gọi là hệ lăng kính nhỏ gọn.
Với cùng thông số như nhau, ống nhòm sử dụng hệ lăng kính Porro sẽ cho hình ảnh tươi sáng hơn, độ sắc nét và độ tương phản cao hơn so với ống nhòm sử dụng hệ lăng kính Roof. Nhưng bù lại loại ống nhòm sử dụng hệ lăng kính Proof chiếm ưu thế ở phân khúc ống nhòm cao cấp hoặc các ống nhòm chuyên dụng để ngắm chim, bướm, hoa cỏ hoặc các vật quan sát có màu sắc đa dạng phức tạp, đòi hỏi tông màu phải thật chuẩn và độ nét cao.
Nói một chút về chất liệu lăng kính thông dụng: Các ống nhòm chất lượng cao sử dụng lăng kính được sản xuất từ thủy tinh BaK-4 (Barium Crown), trong khi các lăng kính rẻ tiền hơn được sản xuất từ thủy tinh BK-7 (Borosilicate). Thủy tinh BaK-4 cho phép tạo ra hình ảnh sáng và sắc nét hơn vì hiện tượng phản xạ toàn phần xảy ra trong lăng kính BaK-4 là hoàn toàn, mọi tia sáng đi vào đều được phản xạ trở ra một cách nguyên vẹn. Trong khi đó thủy tinh BK-7 có chiết suất thấp hơn nên không phải tất cả các tia sáng đi vào lăng kính BK-7 đều đạt được góc tới giới hạn để xảy ra hiện tượng phản xạ toàn phần, kết quả là hình ảnh cho bởi ống nhòm có lăng kính làm từ thủy tinh BK-7 sẽ tối hơn so với một ống nhòm có cùng thông số có nhưng lăng kính được chế tạo từ thủy tinh BaK-4.
Ống nhòm sử dụng lăng kính BK-7 |
Ống nhòm sử dụng lăng kính BaK-4 |
4. Tính năng bảo vệ cho ống nhòm
Ống nhòm chống thấm nước
Nếu bạn sẽ sử dụng ống nhòm của mình trên thuyền kayak, trên thuyền hoặc leo núi trong mùa mưa, thì chiếc ống nhòm của bạn bắt buộc phải chống thấm nước. Ống nhòm chống thấm nước thường sử dụng vòng chữ O đệm giữa các khớp vặn, khớp nối để chống thấm.
Lớp phủ cao su
Mặc dù lớp phủ cao su không giúp bảo vệ ống nhòm hoàn toàn khỏi va chạm, nhưng đây là bộ phận giúp giảm sốc, bảo vệ ống nhòm khỏi những va chạm thường gặp như va quẹt, sốc khi di chuyển cường độ cao,...
Ống nhòm chống sương mù
Ống nhòm có thể bị đọng sương làm mờ kính khi bạn di chuyển từ môi trường lạnh sang môi trường ấm áp. Không chỉ gây khó chịu cho người dùng mà nó còn có khả năng gây hại nếu hơi ẩm bị giữ lại bên trong.
Để chống lại sương mù, các nhà sản xuất ống nhòm lọc không khí bên trong và thay thế nó bằng nitơ để loại bỏ hiện tượng ngưng tụ ẩm bên trong kính. Đồng nghĩa với việc giá của ống nhòm có chức năng chống động sương sẽ cao hơn nhiều so với những sản phẩm khác có cùng thông số kỹ thuật, vì thế nếu không thật sự cần thiết bạn có thể bỏ qua yếu tố này.